Khóa tập huấn đầu tiên về thiết kế học phần trực tuyến theo hình thức MOOC (Massive Open Online Course) tại Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) diễn ra từ ngày 5 đến 7 tháng 8 năm 2024, trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ. Đây là một trong những hoạt động hỗ trợ ĐHQG-HCM triển khai Đề án “Tăng cường năng lực chuyển đổi số trong công tác đào tạo giai đoạn 2023-2027”.
Đề án “Tăng cường năng lực chuyển đổi số trong công tác đào tạo giai đoạn 2023-2027” của ĐHQG-HCM đang được hiện thực hóa với những bước triển khai xây dựng các khóa học trực tuyến MOOC. Mặc dù các giảng viên đại học đã tích lũy được một số kinh nghiệm giảng dạy trực tuyến trong thời kỳ đại dịch COVID-19, nhưng giảng dạy trực tuyến không chỉ đơn thuần là việc đưa bài giảng PowerPoint, video bài giảng, và tài liệu học tập lên các nền tảng trực tuyến. Một khóa học trực tuyến chất lượng cần phải đảm bảo yếu tố tương tác với người học, duy trì sự hứng thú và động lực để người học hoàn thành khóa học. Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi trong quan điểm và cách thức thiết kế hoạt động, tài liệu học tập, cũng như kịch bản giảng dạy trực tuyến, tập trung vào sự tương tác giữa người học với chương trình và giữa các học viên với nhau.
Nhằm hỗ trợ ĐHQG-HCM xây dựng các khóa học MOOC chất lượng và có tính tương tác cao, dự án “Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực thiết kế khóa học trực tuyến cho ba nhóm giảng viên phụ trách xây dựng ba khóa học MOOC. Các khóa học này bao gồm “Sinh học đại cương 1”, “Nhập môn Trí tuệ nhân tạo” (do trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM phụ trách), và “Kinh tế vĩ mô” (do trường Đại học Kinh tế-Luật, ĐHQG-HCM phụ trách). Các giảng viên sẽ tham gia các phiên tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng khóa học MOOC trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2024.
Sau khi khảo sát thực tế về nhu cầu nâng cao kỹ năng thiết kế khóa học trực tuyến của các giảng viên, các chuyên gia của dự án đã tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu từ ngày 5 đến 7 tháng 8 năm 2024. Mục tiêu của khóa tập huấn là trang bị cho giảng viên những kỹ năng cần thiết để thiết kế chuẩn đầu ra, lựa chọn phương pháp kiểm tra đánh giá phù hợp, xây dựng hoạt động và tài liệu học tập trên môi trường trực tuyến, nhằm tạo ra các khóa học MOOC chất lượng.
Tham gia khóa tập huấn, các giảng viên đã hiểu rõ quy trình thiết kế khóa học trên nền tảng MOOC thông qua thực hành phát triển hoạt động học tập và tài liệu học tập, từ đó lên kịch bản giảng dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, các giảng viên còn được tìm hiểu về các chức năng của Hệ thống quản lý học tập (LMS) và nền tảng Canvas để có thể thiết kế các hoạt động học tập phù hợp, tăng cường sự tương tác với người học. Đặc biệt, giảng viên có cơ hội thực hành điều chỉnh chuẩn đầu ra phù hợp với giảng dạy trực tuyến, lựa chọn công cụ và hình thức đánh giá phù hợp, cũng như thử nghiệm thiết kế các hoạt động và tài liệu học tập, xây dựng kịch bản cho một mô-đun trên nền tảng Canvas do ĐHQG-HCM phát triển. Một điểm nhấn của khóa tập huấn là “Trường quay studio dã chiến” với đầy đủ trang thiết bị, nơi giảng viên trải nghiệm việc quay dựng bài giảng và đóng gói bài học trực tuyến trên nền tảng Canvas. Điều này giúp giảng viên tự tin và hiểu rõ công việc cần làm khi thiết kế một khóa học trực tuyến đảm bảo chất lượng.
PGS. TS. Quách Ngô Diễm Phương, Trưởng Khoa Sinh học và Công nghệ Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG-HCM, phụ trách môn Sinh học đại cương, đã chia sẻ suy nghĩ của mình về khóa tập huấn: “Khóa tập huấn này vượt qua mong đợi của tôi. Khi tham gia, tôi hiểu ra rằng xây dựng bài giảng trực tuyến không chỉ đơn thuần là quay video với tương tác một chiều. Giờ đây, tôi đã thiết kế được các hoạt động học tập trực tuyến để người học có thể tương tác thông qua thảo luận nhóm, video có câu hỏi và các bài kiểm tra ngắn.”
Sau khóa tập huấn, ba nhóm giảng viên phụ trách ba môn học sẽ tiếp tục thiết kế các hoạt động và tài liệu học tập, xây dựng kịch bản giảng dạy trực tuyến cho các mô-đun còn lại, và quay video bài giảng để đưa khóa học MOOC lên nền tảng trực tuyến của ĐHQG-HCM với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia của dự án. Dự kiến, ba khóa học MOOC này sẽ được hoàn thiện vào tháng 11 năm 2024, sau khi thí điểm và điều chỉnh tại các trường đại học.