icon
Mail
Phone Stick
Phone

News

Back
Th12 24, 2024

Dự án PHER hỗ trợ 17 đơn vị thành viên từ ba Đại học lớn nâng cao năng lực nghiên cứu

Một trong những mục tiêu quan trọng của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ (Dự án) là nâng cao năng lực nghiên cứu cho Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ba Đại học), hướng đến tăng số lượng các công bố khoa học quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, Dự án đã triển khai các gói hỗ trợ nâng cao Năng lực Nghiên cứu (Research Capacity Subaward – RCS) cho các đơn vị thành viên của ba Đại học đối tác tại Việt Nam, thông qua bảy lĩnh vực học thuật do Mạng lưới Học thuật Quốc tế Việt Nam (VIAN) đại diện bao gồm Kinh tế, Kinh doanh và Chính sách công; Công nghệ và Thông tin; Giáo dục; Khoa học Sức khỏe; Nhân học và Nghiên cứu Văn hóa; Vật liệu Tiên tiến; và Môi trường và Khí hậu.

Từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2024, Dự án đã hỗ trợ 17 thành viên từ ba Đại học triển khai các hoạt động trong khuôn khổ các gói hỗ trợ để nâng cao năng lực nghiên cứu cho các học giả tại ba Đại học. Các đơn vị tham gia RCS đã tổ chức các cuộc trao đổi học thuật và hội thảo chuyên đề trong các lĩnh vực VIAN, thông qua đó thúc đẩy hợp tác học thuật và chia sẻ kiến thức giữa các nhà khoa học trong nước và khu vực như Úc, Đông Nam Á. Bên cạnh đó, các đơn vị triển khai RCS đã tổ chức các buổi tập huấn nhằm hỗ trợ các nhà nghiên cứu phát triển kỹ năng viết đề xuất nghiên cứu và bản thảo, giúp tăng cường khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, hướng tới xuất bản trên các tạp chí khoa học uy tín.

Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vật liệu tiên tiến và ứng dụng” trong khuôn khổ hoạt động RCS

Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng tổ chức Hội thảo với chủ đề “Vật liệu tiên tiến và ứng dụng” trong khuôn khổ hoạt động RCS

PGS.TS. Hồ Viết Thắng, Phó Trưởng Khoa Hóa, Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng, đại diện nhóm VIAN Vật liệu tiên tiến, cho biết: “Sự hỗ trợ từ USAID PHER đã giúp chúng tôi mở rộng các nỗ lực nghiên cứu và giảng dạy, vượt ra ngoài phạm vi hợp tác nội bộ, đồng thời thúc đẩy các quan hệ đối tác quốc tế và mở rộng tầm ảnh hưởng. Việc tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ USAID PHER sẽ rất có lợi cho các sáng kiến nghiên cứu và giảng dạy của chúng tôi.”

Với sự đón nhận và tham gia của 17 đơn vị thành viên và các nhà nghiên cứu từ ba Đại học, tổng cộng đã có 23 đề xuất nghiên cứu và 23 bản thảo bài báo được xây dựng để sẵn sàng gửi đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong thời gian tới.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQGHN tổ chức sinh hoạt chuyên đề trong khuôn khổ hoạt động RCS

PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Hương, Giảng viên cao cấp Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, đồng thời là Điều phối viên nhóm VIAN Nhân học và Nghiên cứu Văn hóa, chia sẻ: “Bên cạnh những kết quả định lượng, quá trình triển khai các hoạt động nghiên cứu tại trường đã tạo động lực và xây dựng niềm tin cho cá nhân tôi cũng như tập thể. Trước khi có dự án, các hoạt động nâng cao năng lực nghiên cứu và công bố quốc tế đã được triển khai mạnh mẽ ở cấp Đại học Quốc gia Hà Nội và các trường thành viên. Tuy nhiên, sự tham gia thiết kế các hoạt động cùng với USAID PHER đã tạo ra một không khí mới, một luồng gió mới trong trường, giúp các thầy cô trở nên chủ động và tích cực hơn trong công tác nghiên cứu.”

Các dự án nghiên cứu được thực hiện trong khuôn khổ RCS đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng điểm được ưu tiên của 3 Đại học. Đặc biệt hơn, những dự án này góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết như sản xuất vật liệu tiên tiến, phục hồi di sản văn hóa, và xử lý các thách thức về quản lý nước đô thị, v.v.., từng bước ứng dụng kết quả nghiên cứu vào đời sống, kinh tế và xã hội.

Hy vọng rằng, sự thành công của hoạt động này không chỉ nâng cao năng lực nghiên cứu tại các tổ chức đối tác, mà còn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm khoa học, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức giữa các nhà khoa học và đóng góp vào việc gia tăng số lượng ấn phẩm đăng trên các tạp chí khoa học uy tín.

TIN LIÊN QUAN