Trường đại học Công nghệ – ĐHQG Hà Nội (trường ĐHCN- ĐHQGHN) đang tích cực thí điểm triển khai các khóa học theo hình thức kết hợp (blended learning) nhưng những bước đầu còn gặp không ít khó khăn. Hiện nay, các khóa học được thực hiện theo hình thức đưa tài liệu lên hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) và giao bài tập thực hành để sinh viên tự thực hiện trên máy tính, kết hợp cùng một số buổi trao đổi qua phòng học Zoom. Tuy nhiên các khóa này vẫn chưa thực sự được thiết kế theo chuẩn mực học tập kết hợp. Việc giảng dạy chủ yếu dừng lại ở cung cấp tài liệu, bài tập để sinh viên tự học, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các hoạt động trực tuyến và trực tiếp.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng của khóa học theo hình thức học tập kết hợp, từ tháng 9 đến tháng 12 năm 2024, trường ĐHCN-ĐHQGHN đã hợp tác với Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ để xác định những hỗ trợ kỹ thuật cần thiết giúp nhóm giảng viên có đủ kỹ năng xây dựng các khóa học hiệu quả. Trong khuôn khổ hợp tác, PGS.TS. Michael Truong – chuyên gia dự án từ ĐH Azusa Pacific, Hoa Kỳ đã tham gia hỗ trợ kỹ thuật và định hướng chuyên môn cho đội ngũ giảng viên của trường ĐHCN-ĐHQGHN trong việc xây dựng khóa học theo hình thức học tập kết hợp.
Trong giai đoạn hợp tác, nhóm giảng viên cốt cán của Khoa Công nghệ Thông tin đã tham gia một chuỗi các hoạt động về xây dựng khóa học kết hợp gồm: 01 buổi Webinar nhằm giới thiệu các nguyên tắc và thực hành thiết kế khóa học; 01 khóa tập huấn trực tiếp tăng cường kỹ năng và hiểu biết về cách thiết kế các khóa học; 01 phiên hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp và 03 phiên hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến cùng trao đổi cụ thể với chuyên gia để nhận phản hồi và cải thiện thiết kế học phần “Lập trình nâng cao”.
Tại các phiên làm việc, chuyên gia của Dự án đã cùng nhóm giảng viên cốt cán rà soát lại Đề cương chi tiết học phần “Lập trình nâng cao” hiện tại để xác định những điểm cần cải thiện và chỉnh sửa. Nhận thấy rằng đề cương chưa thể hiện rõ thiết kế học phần theo hình thức học tập kết hợp một cách rõ ràng, chuyên gia của Dự án đã cung cấp mẫu đề cương mới nhằm chuyển đổi học phần “Lập trình nâng cao” sang định dạng chuyên nghiệp hơn.
Với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia Dự án, bản đề cương mới của học phần “Lập trình nâng cao” được xây dựng và điều chỉnh, hoàn thiện qua hai vòng góp ý. Từ đó, đội ngũ giảng viên tiến hành thiết kế nội dung giảng dạy cho các mô-đun kết hợp lý thuyết và hoạt động thực hành, cũng như hoạt động học tập trực tiếp và trực tuyến và đóng gói lên nền tảng Canvas của trường. Những mô-đun thiết kế đầu tiên đã nhận được phản hồi từ chuyên gia, đặc biệt tập trung vào việc nâng cao tính tương tác và đảm bảo sự kết nối giữa giảng dạy trực tiếp và trực tuyến. Các ý kiến góp ý và bài học kinh nghiệm từ quá trình này đã được áp dụng để điều chỉnh và hoàn thiện thiết kế các mô-đun còn lại.
Qua bốn tháng làm việc cùng chuyên gia Dự án, nhóm giảng viên đã tích cực hoàn thiện thiết kế học phần “Lập trình Nâng cao” theo hình thức học tập kết hợp. Dự kiến, học phần này sẽ chính thức được đưa vào giảng dạy cho sinh viên từ tháng 1 năm 2025. Bên cạnh đó, mẫu đề cương học phần do chuyên gia của Dự án hỗ trợ đã nhận được đánh giá cao từ nhà trường về cấu trúc rõ ràng cũng như tính thực tiễn cao.
Hiện tại, Trường Đại học Công nghệ đang trong quá trình xin ý kiến Đại học Quốc gia Hà Nội về việc triển khai áp dụng mẫu đề cương này cho tất cả các học phần trong trường. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận trong nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo tại Trường Đại học Công nghệ.