icon
Mail
Phone Stick
Phone

News

Back
Th9 4, 2024

Nâng cao Chất lượng Giảng dạy theo Hình thức Kết hợp: 130 Giảng viên từ ba Đại học tham gia Chương trình Đào tạo Giảng viên nguồn

Tháng 6 năm 2024, trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ, hai chuyên gia đến từ Đại học Azusa Pacific, Hoa Kỳ đã thực hiện một chuỗi đào tạo trực tuyến và trực tiếp tại ba Đại học đối tác của dự án. Theo đó, 130 giảng viên nguồn tham dự tập huấn đã được nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết về giảng dạy theo hình thức kết hợp, sẵn sàng ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy và chia sẻ lại với các đồng nghiệp.

Trong bối cảnh hậu đại dịch Covid-19, phương thức giảng dạy kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp đã trở thành một yếu tố quan trọng của giáo dục hiện đại. Nhận thấy sự cần thiết của phương thức này, các trường đại học Việt Nam đang nỗ lực nâng cao năng lực giảng viên để triển khai các khóa học kết hợp, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của sinh viên .

Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ (Dự án) phối hợp với nhóm chuyên gia của trường Đại học Azusa Pacific, Hoa Kỳ xây dựng khóa đào tạo giảng viên về phương pháp giảng dạy kết hợp. Các chuyên gia cũng thực hiện chuỗi tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho đội ngũ giảng viên nguồn của ba Đại học. Các buổi tập huấn đã đạt được mục tiêu của hoạt động khi giảng viên nguồn đã được nâng cao năng lực cần thiết về phương pháp giảng dạy kết hợp và sẵn sàng ứng dụng vào thực tiễn. Một số kỹ kiến thức và kỹ năng cụ thể bao gồm xây dựng đề cương môn học kết hợp, áp dụng mô hình thiết kế giảng dạy vào xây dựng các chiến lược học tập kết hợp, và ứng dụng công nghệ phù hợp trong môi trường học tập kết hợp.

Trong phiếu khảo sát cuối đợt tập huấn trực tiếp, các giảng viên nhất trí rằng khóa học đã trang bị cho họ thêm nhiều phương pháp khiến sinh viên thích thú hơn với việc học và từ đó nâng cao chất lượng dạy và học trong các môn học theo phương thức kết hợp. Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Hảo – Trưởng khoa Khoa học Liên ngành, trường Đại học Khoa học và Nhân văn – ĐHQG-HCM đánh giá cao về khả năng nhân rộng khoá học: “Từ góc nhìn đào tạo giảng viên nguồn, khóa học này rõ ràng đã đạt được tốt mục tiêu. Quan sát cách nhóm chuyên gia thiết kế và triển khai khóa học cũng như tổ chức hoạt động học tập, mình học được rất nhiều kinh nghiệm để tổ chức tập huấn cho đồng nghiệp”.

Chia sẻ của các giảng viên nguồn là minh chứng cho cam kết của các thầy cô trong việc ứng dụng kiến thức và kỹ năng vào giảng dạy và lan tỏa nội dung của khóa học tới các đồng nghiệp trong trường theo kế hoạch nhân rộng của Dự án và các Đại học. Dự kiến, kế hoạch tập huấn mở rộng cho 250 giảng viên ở các trường đại học đối tác sẽ được triển khai trong cuối tháng 9 và tháng 10 năm 2024 sau khi nội dung của khoá đào tạo phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt được tích hợp trên hệ thống quản lý học tập (LMS) của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng và Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Đợt tập huấn trực tiếp cùng với các buổi trực tuyến nằm trong sáng kiến hỗ trợ các trường nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, xây dựng khóa đào tạo, phát triển giảng viên nguồn và chuyển giao cho các trường tiếp tục triển khai trong tương lai. Nỗ lực hỗ trợ các trường nâng cao năng lực giảng dạy theo hình thức kết hợp cho đội ngũ giảng viên góp phần khẳng định cam kết của Dự án trong việc nâng cao kết quả học tập của sinh viên tại các trường đại học Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN