icon
Mail
Phone Stick
Phone

News

Back
Th8 19, 2024

10 trường đại học tham gia phiên hỗ trợ kỹ thuật về “Hệ thống Giám sát Chương trình Đào tạo”

Trong tháng 7 năm 2024, dự án “Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã tổ chức bốn phiên hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến về “Hệ thống Giám sát Chương trình Đào tạo” với sự tham gia của chuyên gia đến từ Đại học (ĐH) Indiana – Hoa Kỳ và 10 trường ĐH thành viên từ Đại học quốc gia (ĐHQG) Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội và ĐH Đà Nẵng.

Victor Borden từ ĐH Indiana, Hoa Kỳ – chuyên gia của dự án đã điều hành phiên hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến với sự tham gia của  cán bộ phòng đảm chất lượng, trưởng/phó khoa và các giảng viên nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng của công tác đảm bảo chất lượng bên trong tại trường ĐH.

  • Phiên làm việc thứ nhất (ngày 4 tháng 7 năm 2024) với sự tham gia của 73 đại biểu đến từ các trường ĐH có chủ đề “Xây dựng bản mô tả và kế hoạch đánh giá CTĐT”. Các trường ĐH chia sẻ kinh nghiệm xây dựng cũng như kế hoạch đánh giá CTĐT và mong muốn được góp ý điều chỉnh mục tiêu, chuẩn đầu ra, ma trận chuẩn đầu ra của CTĐT. GS. Borden trình bày về các nguyên tắc xây dựng và phát triển chương trình đào tạo và giới thiệu mẫu “Mô tả và Kế hoạch đánh giá CTĐT” hỗ trợ việc mô tả tổng quan về một CTĐT với các thông tin đầy đủ, cụ thể và mang tính hệ thống cao. Mẫu này nhằm mục đích chuẩn hóa, củng cố tính minh bạch cũng như hiệu quả của các mô tả và đánh giá CTĐT.
  • 56 đại biểu từ 10 trường ĐH tham gia phiên làm việc thứ hai vào ngày 9 tháng 7 năm 2024 về chủ đề “Nâng cao hiệu quả phương pháp thu thập thực tế phản hồi của các bên liên quan về CTĐT”. Nội dung trao đổi trong phiên làm việc tập trung phân tích các kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng công cụ, phương pháp thu thập phản hồi. Các trường ĐH cũng chia sẻ những vướng mắc, khó khăn của mình trong việc thu thập phản hồi từ các bên liên quan. Sau đó, GS. Borden đưa ra các kiến nghị, đề xuất về việc xác định rõ nhóm đối tượng nội bộ, nhóm đối tượng bên ngoài cần lấy phản hồi; xây dựng các Phiếu khảo sát đơn giản, ngắn gọn nhưng đủ thông tin cần thiết, các hình thức khác nhau để tổ chức lấy phản hồi từ các bên liên quan…Bên cạnh đó, để hỗ trợ các trường ĐH xác định chiến lược, định hướng rõ ràng trong việc thu thập phản hồi về CTĐT, chuyên gia của dự án đã giới thiệu “Mẫu Kế hoạch thu thập ý kiến phản hồi các bên có liên quan về CTĐT”. Kế hoạch này bao gồm các hướng dẫn cụ thể về cách thực hiện hiệu quả các cơ chế phản hồi của các bên liên quan, đảm bảo cách tiếp cận mang tính chiến lược và tập trung để cải thiện chất lượng của các chương trình đào tạo.
  • Ngày 11 tháng 7 năm 2024 diễn ra phiên làm việc thứ 3 sự tham dự của 37 đại biểu với chủ đề “Lựa chọn và quản lý dữ liệu chỉ số đánh giá CTĐT ”. Chuyên gia của dự án chia sẻ kinh nghiệm thực tế trong việc lựa chọn các chỉ số tiêu biểu, phản ánh được chất lượng của CTĐT bằng các ví dụ minh họa của các trường ĐH tại Hoa Kỳ. Ngoài ra, GS. Borden phân tích, góp ý, khuyến nghị điều chỉnh cho các chỉ số các trường ĐH đang sử dụng hiện nay để các trường có căn cứ điều chỉnh bộ chỉ số đánh giá CTĐT của mình. Từ đó giúp các trường ĐH nâng cao khả năng đo lường và theo dõi chất lượng của chương trình đào tạo thông qua việc lựa chọn KPI hiệu quả và hệ thống dữ liệu liên tục,nhất quán.
  • Phiên làm việc trong ngày 16 tháng 7 năm 2024 có sự tham gia của 45 đại biểu với chủ đề “Xử lý và Phân tích dữ liệu về đánh giá CTĐT”. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tế xử lý và phân tích dữ liệu, làm rõ nhiều điểm tương đồng giữa các trường ĐH, nguyên nhân gây mất nhiều thời gian trong việc xử lý và phân tích dữ liệu. Từ các ý kiến chia sẻ của các trường ĐH, GS. Borden đã đưa ra nguyên tắc và ví dụ thực tế trong việc lựa chọn dữ liệu, xử lý, phân tích dữ liệu một cách dễ hiểu, hấp dẫn và có trọng tâm. Phiên làm việc đã hỗ trợ các trường đại học những chiến lược hiệu quả để xây dựng các báo cáo phân tích sâu sắc và hữu ích hơn.

Các phiên làm việc đã thu hút sự quan tâm và tham gia tích cực của cán bộ, nhân viên các phòng đảm chất lượng, trưởng/phó khoa và các giảng viên đến từ các trường ĐH. Qua trao đổi, đại biểu đánh giá cao các công cụ được chuyên gia Dự án chia sẻ để sử dụng trong quá trình giám sát CTĐT. Cụ thể, mẫu Kế hoạch lấy ý kiến phản hồi các bên có liên quan và mẫu Yêu cầu và Đánh giá CTĐT mang tính ứng dụng cao. Đồng thời, đại biểu cũng nhận được các tư vấn chuyên sâu gắn với thực tế của từng trường ĐH từ các chuyên gia dự án.

Đánh giá về sự phù hợp và tính ứng dụng của Hệ thống Giám sát CTĐT ở Nhà trường, TS. Trịnh Thế Anh – Trưởng Phòng Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục của Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng chia sẻ: “Hiện nay, kế hoạch thu thập phản hồi của các bên có liên quan về chương trình đào tạo chưa kết nối mang tính hệ thống một cách toàn diện. Vì vậy, các dữ liệu thu thập được chưa thực sự có gắn kết giữa các bên liên quan khác nhau. GS. Borden đã giới thiệu và hướng dẫn xây dựng Kế hoạch thu thập phản hồi với những bảng mẫu cụ thể, là nội dung rất hữu ích và phù hợp. Nhà trường sẽ vận dụng để triển khai trong năm học tới”.

Sau bốn phiên làm việc, chuyên gia của dự án – GS.Borden nhận định về sự tham gia của các trường ĐH: “Làm việc với các đồng nghiệp từ 3 Đại học hàng đầu của Việt Nam đã chứng minh cho tôi thấy rằng, chất lượng đào tạo đạt được không chỉ phụ thuộc nhiều vào sự đầy đủ nguồn lực đầu tư mà còn phụ thuộc vào sự quan tâm của các chủ thể tham gia quá trình đào tạo. Quan trọng nhất, các trường đại học thực sự quan tâm đến việc người học được hưởng lợi gì từ các chương trình đào tạo, việc sinh viên tốt nghiệp đáp ứng thế nào với các nhu cầu khắt khe của nhà tuyển dụng cũng như đóng góp của họ cho xã hội Việt Nam”.

Sau phiên làm việc, các trường ĐH thành viên sẽ dựa trên các phản hồi chi tiết của chuyên gia để thực hiện điều chỉnh cách thức, công cụ thu thập phản hồi từ các bên có liên quan về CTĐT; sửa đổi mục tiêu, chuẩn đầu ra và bảng đánh giá (rubric) CTĐT, rà soát bộ chỉ số đo lường hiệu quả (KPI) của CTĐT cũng như điều chỉnh cách xử lý và phân tích dữ liệu.  Những nội dung chỉnh sửa sẽ được gửi tới chuyên gia để góp ý và phản hồi. Đây cũng là nội dung chuẩn bị cho các phiên làm việc tiếp theo trong tháng 8 năm 2024.

TIN LIÊN QUAN