Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, giáo dục đại học đang đối mặt với nhiều thách thức và yêu cầu phải liên tục cải tiến nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường lao động và những thay đổi trong xã hội. Một trong những giải pháp hiệu quả để giải quyết các thách thức này là xây dựng và duy trì hệ thống Đảm bảo Chất lượng Bên trong (Internal Quality Assurance – IQA) vững chắc, đồng thời phát triển văn hóa cải tiến chất lượng liên tục trong các cơ sở giáo dục đại học. Đây là xu hướng tất yếu ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam, khi mà hệ thống giáo dục cần liên tục đổi mới để bắt kịp các xu hướng quốc tế và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong nỗ lực thúc đẩy quá trình này, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đã tổ chức một chuỗi phiên hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu về Hệ thống Giám sát Chương trình Đào tạo, góp phần nâng cao hiệu quả của Hệ thống Đảm bảo Chất lượng bên trong.
Từ ngày 5 đến ngày 13 tháng 9 năm 2024, Giáo sư Victor Borden,của Đại học Indiana, chuyên gia dự án, đã điều hành chín phiên hỗ trợ kỹ thuật Hệ thống Giám sát Chương trình Đào tạo. Các phiên này có sự tham gia của 69 cán bộ phụ trách công tác đảm bảo chất lượng, trưởng/phó khoa và giảng viên đến từ các trường Đại học Bách Khoa, trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM), năm trường đại học thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) và trường Đại học Kinh tế, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).
Dựa trên các hướng dẫn kỹ thuật tại phiên làm việc tháng 7/2024 về (1) Xây dựng bản mô tả và kế hoạch đánh giá chương trình đào tạo (CTĐT), (2) Nâng cao hiệu quả phương pháp thu thập thực tế phản hồi của các bên liên quan về CTĐT, (3) Lựa chọn và quản lý dữ liệu chỉ số đánh giá CTĐT, và (4) Xử lý và phân tích dữ liệu về đánh giá CTĐT, các trường đại học đã bắt đầu thực hiện các điều chỉnh cụ thể trong một số CTĐT thí điểm của mình. Những điều chỉnh này liên quan đến chuẩn đầu ra và mục tiêu của chương trình đào tạo, ma trận chuẩn đầu ra, kế hoạch đánh giá chương trình, bộ chỉ số KPIs để đánh giá hiệu quả của chương trình đào tạo, và phiếu khảo sát ý kiến các bên liên quan nhằm nâng cao chất lượng đào tạo… Các bản thảo chỉnh sửa của 10 trường đại học được gửi tới chuyên gia của dự án để lấy ý kiến phản hồi.
Trong phiên làm việc cùng từng trường đại học, Giáo sư Victor Borden đã cung cấp các góp ý chi tiết cho từng văn bản và tài liệu đã chỉnh sửa của các trường đại học, bao gồm: (a) Mô tả chương trình đào tạo và kế hoạch đánh giá; (b) Phiếu khảo sát ý kiến các bên liên quan; (c) Bộ chỉ số KPIs để đánh giá chương trình; và (d) Tài liệu hướng dẫn đánh giá chuẩn đầu ra và Báo cáo Giám sát Chương trình hàng năm (c) Rubrics đánh giá. Cụ thể nội dung góp ý của chuyên gia dự án PHER về các tài liệu chỉnh sửa do nhà trường gửi tới như sau:
Những hỗ trợ này không chỉ dừng lại ở lý thuyết mà còn được điều chỉnh dựa trên bối cảnh cụ thể của từng trường với những gợi ý về định hướng phát triển dài hạn. Trường Đại học Kinh tế – ĐHQGHN đã nhận được hướng dẫn hoàn thiện mô tả chương trình đào tạo ngành Kế toán với những góp ý điều chỉnh về cách viết chuẩn đầu ra, mục tiêu có thể đo lường được cũng như các công cụ Rubrics đánh giá chuẩn đầu ra của CTĐT. Nhà trường cho biết họ đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống đánh giá cho tất cả các chương trình đào tạo, và sự hỗ trợ từ Dự án là một bước quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình này.
Văn hóa cải tiến chất lượng không chỉ được thể hiện qua việc tuân thủ các quy trình và tiêu chuẩn, mà còn qua tinh thần học hỏi, đổi mới và cam kết nâng cao chất lượng không ngừng. Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học đang đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng văn hóa này tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Các tài liệu và quy trình đảm bảo chất lượng mà các trường tham gia đang hoàn thiện sẽ không chỉ được áp dụng trong nội bộ nhà trường mà còn có thể chia sẻ cho các trường thành viên khác, góp phần vào quá trình chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam.