icon
Mail
Phone Stick
Phone

News

Back
Th12 18, 2024

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thí điểm đánh giá cán bộ dựa trên KPI: Bước tiến trong quản trị nhân sự đại học

Ngày 28/11/2024, tại Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN), Hội thảo “Chia sẻ Kinh nghiệm và Kết quả áp dụng Thí điểm Đánh giá Cán bộ dựa trên Chỉ số Hiệu suất chính (KPI)” đã diễn ra thành công với sự tham dự của hơn 70 đại biểu từ các trường đại học thành viên ĐHĐN, Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN), Đại học Quốc gia TP.HCM (ĐHQGHCM) và các chuyên gia của Dự án Hợp tác đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ.

Hội thảo được tổ chức với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và triển khai thí điểm bộ chỉ số KPI trong đánh giá cán bộ giữa các Đại học, từ đó hoàn thiện và định hướng mở rộng ứng dụng trong thời gian tới. Phát biểu khai mạc, GS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐHĐN, nhấn mạnh việc xây dựng và áp dụng bộ chỉ số KPI là minh chứng cho sự cam kết và nỗ lực của ĐHĐN trong việc đổi mới quản trị nhân sự và hội nhập quốc tế.

Tại hội thảo, các trường đại học đã trình bày báo cáo về kết quả thí điểm đánh giá cán bộ dựa trên KPI:

    • Đại diện Trường Đại học Bách Khoa – ĐHĐN chia sẻ kết quả và kinh nghiệm triển khai từ năm 2023-2024 với giảng viên và chuyên viên hành chính, đồng thời giới thiệu Đề án phân bổ thu nhập tăng thêm dựa trên kết quả công việc. Kết quả sơ bộ cho thấy  phương án đánh giá mới này đã đánh giá cán một cách toàn diện, định lượng có xen lẫn định tính để vẫn đảm bảo linh động và đặc thù trong đánh giá.
    • Đại diện Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật – ĐHĐN báo cáo kết quả thí điểm đánh giá 19 cán bộ tại Phòng Tổ chức Hành chính và 34 Giảng viên Khoa Cơ khí. Đại diện Nhà trường cho rằng Kết quả đánh giá đã phản ánh đúng kết quả công việc và thái độ phục vụ của các diện cán bộ. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục hoàn thiện, mở rộng triển khai đánh giá cán bộ tại các đơn vị dựa trên KPI và dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các đơn vị thuộc Trường còn lại vào năm 2025.
    • Đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQGHN chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và áp dụng đánh giá thí điểm với 84 giảng viên và 25 Cán bộ hành chính trong hai năm 2023 – 2024. PGS.TS. Trần Mạnh Cường – Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ – Hành chính nhận định bộ tiêu chí đánh giá đã phản ánh đúng kết quả công việc và thái độ phục vụ của cán bộ, đặc biệt là giảng viên và nghiên cứu viên. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng cấp hệ thống thông tin và đảm bảo nguồn lực tài chính để triển khai áp dụng rộng rãi trong thời gian tới.
    • TS. Phạm Nguyễn Minh Nhựt, Đại diện Trường Đại học CNTT & TT Việt Hàn – ĐHĐN chia sẻ kết quá đánh giá thí điểm với 31 Giảng viên Khoa Kinh tế số và Thương mại Điện tử và 10 cán bộ phòng Tổ chức – Hành chính. Ông nêu bật những thành công ban đầu nhờ quy mô nhỏ và sự chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo, đồng thời khuyến nghị việc chuẩn hóa bộ chỉ số KPI trong ĐHĐN để tạo sự đồng bộ trong toàn hệ thống.
    • Thông qua kết quả đánh giá thí điểm tại Phòng Tổ chức, Khoa Vật lý và Khoa Lịch sử, Đại diện Trường Đại học Sư phạm – ĐHĐN khẳng định kết quả thử nghiệm đã phản ánh đúng năng lực cán bộ, các tiêu chí đánh giá tương đối toàn diện và mang tính định lượng cao. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục mở rộng đánh giá thử nghiệm, đồng thời cải tiến hệ thống công cụ để đảm bảo liên thông và chuẩn hóa dữ liệu đầu vào phục vụ đánh giá.

Cũng trong Hội thảo, GS. TS. Vũ Văn Yêm – Chuyên gia của Dự án PHER, đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai thí điểm và đề xuất lộ trình nhân rộng hệ thống đánh giá KPI chung cho các cơ sở giáo dục đại học. Theo ông, các đơn vị cần chia làm ba giai đoạn trong quá trình triển khai:

  1. Giai đoạn thí điểm: So sánh và điều chỉnh giữa phương pháp cũ và mới để hoàn thiện tiêu chí đánh giá.
  2. Áp dụng toàn diện: Triển khai đánh giá KPI trên toàn cơ sở giáo dục đại học.
  3. Tích hợp kết quả đánh giá: Sử dụng kết quả này trong trả lương, bổ nhiệm, và đào tạo cán bộ.

Các tư vấn của chuyên gia sẽ là các gợi ý để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng kế hoạch trung và dài hạn trong việc áp dụng KPI để đánh giá cán bộ, hướng đến thúc đẩy môi trường làm việc minh bạch, tạo nhiều động lực cho cán bộ và xây dựng hệ thống quản trị nhân lực bền vững.

GS.TS. Lê Quang Sơn khép lại hội thảo với lời cảm ơn sâu sắc đến sự đồng hành của Dự án và cam kết sẽ tiếp tục cải tiến, hoàn thiện mô hình đánh giá để nâng cao chất lượng quản trị nhân sự trong toàn hệ thống ĐHĐN, góp phần vào sự phát triển bền vững của giáo dục đại học Việt Nam.

TIN LIÊN QUAN