icon
Mail
Phone Stick
Phone

News

Back
Th9 25, 2024

Trưởng khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM thúc đẩy lan tỏa các giá trị nhân học tại Hoa Kỳ cùng Chương trình Trao đổi Học giả

Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024, Đại học Yale sẽ chào đón sự góp mặt của Tiến sĩ Trương Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Nhân học tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM thông qua Chương trình Trao đổi Học giả (VSP) của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ. 

Với chuyên môn về Nhân học phát triển và lý thuyết Nhân học, nghiên cứu hiện tại của Tiến sĩ Hằng tập trung vào kiến thức địa phương về sinh thái môi trường của các tộc người tại các vườn quốc gia ở Việt Nam; các chuyển đổi canh tác sáng tạo, du lịch nông nghiệp trong các cộng đồng nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Lâm Đồng, cùng với đúc kết về sử dụng phương pháp dân tộc học cảm quan trong nghiên cứu du lịch.

Truong thi thu hang

Kế hoạch xuất bản của Tiến sĩ Hằng trong thời gian nghiên cứu ở Đại học Yale bao gồm một bài báo với tiêu đề “Giữ rừng / Sống với rừng: Kiến thức, Câu chuyện và Hành động tại Vườn quốc gia Núi Chúa, Việt Nam”, nghiên cứu về sự khác biệt giữa cách thực hành và biểu hiện của cộng đồng địa phương, và diễn ngôn của các chuyên gia và nhà quản lý trong các khu bảo tồn thiên nhiên (NPAs) ở Việt Nam. Các nghiên cứu dân tộc học của cô cung cấp cái nhìn sâu sắc về những khác biệt trong quan niệm về rừng giữa người Raglai tại địa phương và các nhà quản lý Vườn quốc gia Núi Chúa, nhấn mạnh tính cấp thiết của việc đối thoại nhằm hòa giải những thế giới quan khác biệt. “Thông qua nghiên cứu này, tôi mong muốn thúc đẩy trao đổi và đàm phán nhằm tôn trọng những phúc lợi của cộng đồng địa phương, đồng thời đảm bảo tính bền vững của các khu bảo tồn thiên nhiên” – Tiến sĩ Hằng chia sẻ.

Trong thời gian tại Yale, Cô sẽ bàn thảo trực tiếp với GS Erik Harms, trưởng khoa Nhân học, về việc hợp tác tổ chức một hội nghị quốc tế về Nhân học tại Việt Nam, dự kiến kỷ niệm 20 năm ngành Nhân học vào năm 2026: “Tham gia vào VSP là một dịp tốt để tôi có thể trao đổi trực tiếp với GS Erik Harms và thúc đẩy sự phối hợp với các đối tác quốc tế để chuẩn bị cho sự kiện hội thảo quan trọng này. Hai thập kỷ đã trôi qua và chúng ta nên nhìn lại những gì mà ngành Nhân học nghiên cứu tại Việt Nam đã đạt được cả về lý thuyết và phương pháp nghiên cứu và chúng ta sẽ kỳ vọng gì ở tương lai.”

Thông qua Chương trình Trao đổi Học giả, Tiến sĩ Hằng sẽ không chỉ đóng góp vào kho tàng nghiên cứu ngành Nhân học Việt Nam mà còn mở ra các cơ hội hợp tác lâu dài cho cộng đồng nghiên cứu tại đơn vị mình.

Chương trình Trao đổi Học giả trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đồng hành cùng các học giả từ (1) Đại học Quốc gia Hà Nội, (2) Đại học Đà Nẵng, và (3) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của các học giả trên khắp Việt Nam, đồng thời mở rộng các quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Hoa Kỳ. Vào học kỳ mùa hè và mùa thu năm 2024, Chương trình Trao đổi Học giả sẽ gửi tổng cộng 21 học giả từ ba đại học công lập lớn của Việt Nam đến các cơ sở tại Hoa Kỳ để nghiên cứu và trao đổi học thuật.

TIN LIÊN QUAN