Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024, Thạc sĩ Phan Hồng Long, giảng viên tại Khoa Ngoại Nhi, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, sẽ tham gia Chương trình Trao đổi Học giả trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ tại Đại học Indiana, thực hiện nghiên cứu về gan mật Nhi khoa và điều trị teo mật.
Thạc sĩ Phan Hồng Long là giảng viên tại Khoa Ngoại nhi, trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội. Với chuyên môn vững vàng về gan mật Nhi khoa và điều trị teo mật, thầy Long tập trung vào các phương pháp đổi mới để cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân sau phẫu thuật Kasai – một phẫu thuật cắt bỏ phần đường mật bị teo ở rốn gan và tái lập lưu thông dòng chảy mật từ gan vào ruột của bệnh nhi.. Từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024, thầy Long sẽ tham gia Chương trình Trao đổi Học giả tại Đại học Indiana, Hoa Kỳ, trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ.
Tại Đại học Indiana, thầy Long sẽ tiến hành nghiên cứu về các yếu tố tiên lượng ảnh hưởng đến kết quả sớm sau phẫu thuật Kasai điều trị teo mật ở trẻ em. Nghiên cứu này sẽ phân tích các yếu tố tiên lượng như đặc điểm giải phẫu bệnh sau mổ và nồng độ huyết thanh Cytomegalovirus (CMV) ảnh hưởng đến kết quả dẫn lưu mật sau phẫu thuật Kasai. Thầy Long sẽ thu thập dữ liệu từ những bệnh nhân đã trải qua phẫu thuật Kasai tại Hiệp hội Nghiên cứu Phẫu thuật Nhi khoa Trung Tây Hoa Kỳ (MWPSC) để so sánh với dữ liệu tương tự từ những bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương Việt Nam.
Ngoài việc nghiên cứu, thầy Long sẽ quan sát các hoạt động lâm sàng, hỗ trợ các buổi khám và phẫu thuật, và theo dõi chăm sóc bệnh nhân sau phẫu thuật. Trong thời gian ở Mỹ, thầy cũng sẽ tham dự các hội nghị và hội thảo để cập nhật những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực gan Nhi khoa.
Sau khi hoàn thành chương trình, thầy Long sẽ trở về Việt Nam và nộp bài báo của mình để xuất bản và chia sẻ kiến thức với các bác sĩ tại Việt Nam. Kết quả nghiên cứu của thầy trong Chương trình Trao đổi Học giả được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể cho lĩnh vực gan nhi khoa và điều trị teo mật, hứa hẹn mang lại lợi ích cho cộng đồng học thuật và bệnh nhân.
Chương trình Trao đổi Học giả trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đồng hành cùng các học giả từ (1) Đại học Quốc gia Hà Nội, (2) Đại học Đà Nẵng, và (3) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của các học giả trên khắp Việt Nam, đồng thời mở rộng các quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Hoa Kỳ. Vào học kỳ mùa hè và mùa thu năm 2024, Chương trình Trao đổi Học giả sẽ gửi tổng cộng 21 học giả từ ba đại học công lập lớn của Việt Nam đến các cơ sở tại Hoa Kỳ để nghiên cứu và trao đổi học thuật.