Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nhật Minh, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Số, Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng, sẽ tham gia Chương trình Trao đổi Học giả (VSP) của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ tại Đại học Indiana South Bend từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2024. Là chuyên gia về hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) phân tán, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, tối ưu hóa mạng lưới và điện toán biên, nghiên cứu của Tiến sĩ Minh tập trung vào nâng cao hệ thống học liên kết (federated learning system) của các mô hình và hệ thống học máy dân chủ hóa (democratized learning system).
Dự án của Tiến sĩ Minh nhằm phát triển các phương pháp tổng hợp mô hình hiệu quả để giải quyết việc phân bổ không đồng đều (Non independent and identically distributed-non-i.i.d.) của dữ liệu người dùng đầu cuối trong hệ thống học máy liên kết. Nghiên cứu của thầy đi sâu vào các kỹ thuật chuyển giao tri thức giữa mô hình toàn cục và mô hình cục bộ bằng cách sử dụng các phương pháp như trao đổi tri thức, điều chỉnh dựa trên biểu diễn nguyên mẫu của từng lớp (class-based prototype representation).
Nghiên cứu này đóng vai trò quan trọng để xây dựng các hệ thống AI phân tán trên quy mô lớn có khả năng thực hiện các nhiệm vụ học máy phức tạp mà không để lộ dữ liệu cá nhân.- TS. Minh chia sẻ về tác động tiềm năng của nghiên cứu.
Một trong những mục tiêu chính của Tiến sĩ Minh thông qua dự án là thúc đẩy chuyển giao phương pháp học máy liên kết từ Hoa Kỳ sang các nghiên cứu tại Việt Nam, đảm bảo khả năng tương thích với cơ sở hạ tầng công nghệ và điều kiện địa phương. Nỗ lực này được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực của các nhóm nghiên cứu Việt Nam và đóng góp tích cực vào bức tranh đổi mới của quốc gia trong lĩnh vực AI và máy học.
Trong thời gian trao đổi, Tiến sĩ Minh sẽ trình bày nghiên cứu của mình tại Đại học Indiana South Bend, hợp tác với các nhà nghiên cứu Hoa Kỳ và xuất bản công bố khoa học trên tạp chí WoS/Scopus. Thầy cũng sẽ báo cáo hoạt động nghiên cứu cho Đại học Đà Nẵng và hướng dẫn các đồng nghiệp về phương pháp nghiên cứu. “Chương trình Trao đổi Học giả sẽ tạo cơ hội cho tôi được phát triển các dự án nghiên cứu chất lượng cao và trao đổi với các chuyên gia hướng đến những hợp tác nghiên cứu trong tương lai. Qua đó mở ra những nghiên cứu khả năng ứng dụng các công nghệ AI tiềm năng để giải quyết những vấn đề xã hội quan trọng” – TS. Minh chia sẻ về mong muốn của mình khi tham gia chương trình.
Sự tham gia của TS. Minh trong Chương trình Trao đổi Học giả được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hợp tác giữa các viện nghiên cứu của Việt Nam và Hoa Kỳ, phát triển các hệ thống AI phân tán và nâng tầm tiến bộ công nghệ của Việt Nam.
Chương trình Trao đổi Học giả trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đồng hành cùng các học giả từ (1) Đại học Quốc gia Hà Nội, (2) Đại học Đà Nẵng, và (3) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của các học giả trên khắp Việt Nam, đồng thời mở rộng các quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Hoa Kỳ. Vào học kỳ mùa hè và mùa thu năm 2024, Chương trình Trao đổi Học giả sẽ gửi tổng cộng 21 học giả từ ba đại học công lập lớn của Việt Nam đến các cơ sở tại Hoa Kỳ để nghiên cứu và trao đổi học thuật.