Tiến sĩ Hoàng Minh Trang, giảng viên Khoa Môi trường tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG, sẽ bắt đầu một hành trình thú vị với vai trò là học giả trao đổi tại Đại học Indiana trong khuôn khổ Chương trình Trao đổi Học giả (VSP) của Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ. Với chuyên môn nghiên cứu về ứng dụng công nghệ xanh và tái chế chất thải trong việc xử lý nước thải và chất thải rắn, cũng như đánh giá rủi ro sức khỏe con người liên quan đến việc sử dụng nguồn nước, Tiến sĩ Trang sẽ có những hành trang tốt cho chuyến trao đổi học thuật này.
Từ tháng 9 năm 2024, Tiến sĩ Trang sẽ dành hai tháng tại Đại học Indiana để tiếp tục nghiên cứu của mình về đánh giá rủi ro sức khỏe con người liên quan đến việc sử dụng nguồn nước ở một số vùng ngoại ô Hà Nội, Việt Nam. Nhận thức được nhu cầu cấp bách về việc tiếp cận nước sạch ở những khu vực này, nghiên cứu của Tiến sĩ Trang tập trung phân tích, đánh giá rủi ro sức khỏe của con người trong việc phơi nhiễm Asen và một số chất ô nhiễm trong nguồn nước sinh hoạt và tìm ra những giải pháp kỹ thuật nhằm giảm thiểu phơi nhiễm của người dân. Phương pháp của cô bao gồm phân tích dữ liệu thứ cấp, đánh giá định tính và đánh giá rủi ro sức khỏe bằng các mẫu nước từ các hộ gia đình nông thôn.
Các phát hiện từ nghiên cứu này sẽ nâng cao nhận thức về các tác động tiêu cực khi nguồn nước uống bị ô nhiễm và đóng góp tích cực cho sức khỏe và sự phát triển kinh tế của các cộng đồng chịu ảnh hưởng. “Trên cương vị một nhà khoa học trẻ, tôi luôn mong muốn khoa học sẽ được áp dụng nhiều hơn nữa cho những mục đích gắn với sự phát triển bền vững của cộng đồng” – TS. Trang chia sẻ.
Trong thời gian ở Đại học Indiana, Tiến sĩ Trang mong muốn nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của mình, đặc biệt là tìm hiểu thêm và trải nghiệm phương pháp học tập kết hợp (blended learning). Cô dự định hợp tác với các giảng viên, tham gia các hội thảo, hội nghị chuyên đề, và quan sát các lớp học kết hợp để thu thập những kiến thức và kỹ năng thực tiễn quý giá. Sau khi kết thúc kỳ trao đổi, Tiến sĩ Trang dự kiến sẽ nộp ít nhất một bản thảo cho các hội nghị quốc tế lớn và các tạp chí khoa học uy tín.
Sự tham gia của TS. Trang trong Chương trình Trao đổi Học giả được kỳ vọng đem lại cho cô những góc nhìn tiên tiến, toàn cảnh về lĩnh vực nghiên cứu thông qua các buổi tọa đàm, seminar, bài giảng của các giáo sư tại Đại học Indiana để cô có thể gần hơn với mục tiêu khoa học của mình.
Chương trình Trao đổi Học giả trong khuôn khổ Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đồng hành cùng các học giả từ (1) Đại học Quốc gia Hà Nội, (2) Đại học Đà Nẵng, và (3) Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Mục tiêu của chương trình nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy của các học giả trên khắp Việt Nam, đồng thời mở rộng các quan hệ hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học tại Hoa Kỳ. Vào học kỳ mùa hè và mùa thu năm 2024, Chương trình Trao đổi Học giả sẽ gửi tổng cộng 21 học giả từ ba đại học công lập lớn của Việt Nam đến các cơ sở tại Hoa Kỳ để nghiên cứu và trao đổi học thuật.