Tại Việt Nam cũng như nhiều nơi trên thế giới, người học, phụ huynh và nhà tuyển dụng vẫn còn những băn khoăn của về việc liệu chất lượng giáo dục trực tuyến có tương đương với việc dạy và học trực tiếp hay không. Cũng còn những quan điểm về việc liệu giáo dục trực tuyến có phải chỉ là giải pháp tạm thời trong thời kỳ đại dịch hay không. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng giáo dục trực tuyến cũng có thể hiệu quả như học trực tiếp, tùy thuộc vào thiết kế và cách triển khai khóa học. Dù cảm nhận về việc học trực tuyến như thế nào thì nó đã trở thành một phần không thể thiếu của giáo dục đại học. Các trường đại học trên toàn thế giới đang đầu tư nguồn lực vào việc phát triển các khóa học và chương trình học trực tuyến nhằm mang lại cơ hội học tập linh hoạt, giúp người học tự chủ hơn trong việc học. Để giải quyết mối lo ngại về chất lượng giáo dục trực tuyến, Viện Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (Viện ĐBCLGD)- Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đang xây dựng tiêu chuẩn đánh giá các học phần trực tuyến. Các tiêu chuẩn này nhằm mục đích đảm bảo chất lượng từ giai đoạn thiết kế và phát triển cho đến triển khai học tập trực tuyến.
Để hỗ trợ Viện ĐBCLGD – ĐHQGHN phát triển các công cụ đánh giá khóa học trực tuyến phù hợp với bối cảnh Việt Nam, Dự án Hợp tác Đổi mới Giáo dục Đại học do USAID tài trợ đã cung cấp một chuỗi hỗ trợ kỹ thuật về Đánh giá học phần trực tuyến, thực hiện bởi Tiến sĩ Michael Truong, Phó Giáo sư tại Đại học Azusa Pacific, người có 20 năm kinh nghiệm thiết lập, thúc đẩy và nhân rộng các sáng kiến phát triển giảng viên và học tập trong môi trường số. Tiếp nối những hỗ trợ ban đầu, bao gồm hội thảo trực tuyến vào ngày 10/4/2024 và hai phiên hỗ trợ kĩ thuật trực tuyến vào ngày 25-26/4, khóa tập huấn trực tiếp về Đánh giá học phần trực tuyến được tổ chức trong 2 ngày 13-14/5/2024 với sự tham gia của 54 trưởng khoa, phó trưởng khoa, giảng viên và các cán bộ Phòng Đảm bảo chất lượng của các trường thành viên cũng như cán bộ của Viện ĐBCLGD – ĐHQGHN.
Trong khóa tập huấn trực tiếp này, người tham dự đã tìm hiểu các tiêu chuẩn khác nhau để đánh giá học phần trực tuyến của Hoa Kỳ và các tổ chức khác trên thế giới, bao gồm bộ Tiêu chuẩn của tổ chức QM (Quality Matters) – Hoa Kỳ, Hiệp hội học tập trực tuyến – Hoa Kỳ (Online Learning Consortium – OLC), Tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng học tập trực tuyến – Hoa Kỳ (National Standards for Quality Online Learning – NSQOL), Bộ công cụ đảm bảo chất lượng học tập trực tuyến APEC, và Hiệp hội các trường đại học mở châu Á. Người tham dự đã xem xét và thực hành áp dụng Thang đánh giá học phần trực tuyến của QM đối với học phần trực tuyến về “Nhà nước và pháp luật đại cương” do ĐHQGHN phát triển. Hoạt động thực hành này đã giúp người tham dự hiểu các tiêu chuẩn và xem xét cách điều chỉnh các tiêu chuẩn QM để phù hợp hơn với bối cảnh Việt Nam. Ngoài ra, người tham dự còn thảo luận về các nguyên tắc phát triển các học phần trực tuyến và kết hợp cũng như tầm quan trọng của tính liêm chính học thuật trong giáo dục trực tuyến, đặc biệt là quy định sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong học tập.
Sau khóa tập huấn, chuyên gia dự án tiếp tục chủ trì phiên hỗ trợ kỹ thuật kéo dài 2 ngày từ 15-16/5 cho tổ công tác gồm 6 cán bộ quản lý nòng cốt và nhân viên của Viện ĐBCLGD – ĐHQGHN. Tại phiên hỗ trợ kỹ thuật, chuyên gia của Dự án đã đưa ra các đề xuất chỉnh sửa dự thảo thứ hai về Bộ tiêu chuẩn và quy trình đánh giá học phần trực tuyến do Viện ĐBCL- ĐHQGHN xây dựng. Các cuộc thảo luận chuyên sâu tập trung vào từng tiêu chuẩn, với các tiêu chí và chỉ báo cũng nguồn minh chứng nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp, thân thiện với người dùng và đo được kết quả đáng tin cậy. Bên cạnh đó, trong ngày 17/5, chuyên gia của Dự án tiếp tục thực hiện hỗ trợ kỹ thuật dành cho tổ công tác gồm 6 cán bộ quản lý, giảng viên nòng cốt của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN để điều chỉnh học phần “Lập trình nâng cao” của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN theo đúng tinh thần và nguyên tắc của một học phần kết hợp thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm thực tế, đưa ra những ví dụ minh họa cùng hướng dẫn để tổ công tác của Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN xác định được những sửa đổi cần thiết.
Hoạt động hỗ trợ sẽ tiếp tục với các buổi hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến từ tháng 6 đến tháng 9 năm 2024 cho cả Viện ĐBCLGD và Trường Đại học Công nghệ, hỗ trợ hai đơn vị hoàn thiện công việc của mình. Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật này tại ĐHQGHN đã đóng góp đáng kể trong việc giúp ĐHQGHN hoàn thiện bộ tiêu chuẩn, quy trình và công cụ sẽ được sử dụng để đánh giá các học phần trực tuyến. Ngoài ra, việc phát triển một khóa học kết hợp tại Trường Đại học Công nghệ là một ví dụ điển hình cho các khóa học trực tuyến chất lượng. Những cải cách này cũng được kỳ vọng sẽ đổi mới cách tiếp cận đánh giá khóa học trực tuyến như Đảm bảo Chất lượng Bên trong và thay đổi tư duy về chất lượng giáo dục trực tuyến ở Việt Nam.